Phổi tắc nghẽn mãn tính COPD: Kẻ thù thầm lặng của hệ hô hấp

Theo thống kê của WHO, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là nguyên nhân có tỷ lệ tử vong rất cao, đứng thứ ba trên toàn thế giới với 3,23 triệu ca vào năm 2019. Tuy COPD không thể chữa khỏi hẳn nhưng nó có thể cải thiện tốt hơn nếu người bệnh được chăm sóc và điều trị đúng cách. Dưới đây là những thông tin về căn bệnh được ví như kẻ thù thầm lặng của hệ hô hấp và các dấu hiệu, phương pháp điều trị, phòng ngừa cần thiết. Đừng bỏ qua nhé.

Tổng quan về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay còn được gọi là COPD (Chronic Obstructive Pulmonary Disease) là thuật ngữ chung cho một nhóm bệnh phổi khiến người bệnh ho, khó thở và trở nên nặng hơn theo thời gian. Thông thường, đường dẫn khí và túi khí trong phổi của chúng ta có tính năng đàn hồi hoặc co giãn. Khi hít vào, đường thở sẽ đưa không khí vào các túi khí và trông chúng giống như một quả bóng nhỏ. Trong lúc đó, khi thở ra, các túi khí sẽ xẹp xuống và không khí thoát ra ngoài. Tuy nhiên, nếu bạn bị COPD, lượng không khí đi vào và ra khỏi đường thở sẽ ít hơn do một hoặc nhiều vấn đề như:

  • Đường thở trong phổi bị thu hẹp đi do sưng (viêm)
  • Bức tường giữa các túi khí bị phá hủy
  • Đường thở và các túi khí nhỏ trong phổi mất khả năng đàn hồi 
  • Đường hô hấp tạo ra nhiều chất nhầy có thể làm tắc nghẽn và chặn luồng không khí.

hinh-anh-cua-COPD.jpgHình ảnh của COPD

Khi có ít không khí đi vào phổi hơn thì lượng oxy đi vào các mô trong cơ thể sẽ ít hơn. Như bạn đã biết, Oxy - là một trong những loại khí rất quan trọng để phổi và các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường. Oxy được trao đổi lấy chất thải hoặc carbon dioxide. Carbon dioxide được loại bỏ khỏi dòng máu khi thở ra. Do đó nếu việc đưa không khí vào và ra khỏi đường thở trở nên khó khăn hơn, bạn có thể có sẽ gặp nhiều vấn đề liên quan đến đường hô hấp. 

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được chia làm mấy loại chính?

Bệnh lý COPD được chia thành hai thể chính là viêm phế quản mãn tính và khí phổi thủng. Cụ thể:

  • Viêm phế quản mãn tính: Tình trạng này được xảy ra khi đường thở bị sưng lên và chất nhầy (đờm hoặc “nước mũi”) tích tụ dọc theo lớp lót. Sự tích tụ này làm thu hẹp lỗ mở của ống, khiến không khí vào và ra khỏi phổi khó khăn.
  • Khí phế thũng: Là sự phá vỡ thành của các túi khí nhỏ (phế nang) ở cuối ống phế quản, ở “đáy” phổi. Các túi khí đóng một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy vào máu và carbon dioxide ra ngoài. Tổn thương do khí phế thũng gây ra sẽ phá hủy thành của các túi khí, khiến bạn khó có thể hít thở đầy đủ.

Triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Các triệu chứng COPD thường được cảm nhận chứ không đo lường được, vì vậy người bệnh cần phải chia sẻ những triệu chứng đang gặp phải và tần suất chúng xảy ra với bác sĩ một cách cụ thể nhất. Bên cạnh đó, không phải ai cũng trải qua các triệu chứng COPD giống nhau. Dưới đây là một số biểu hiện phổ biến mà bệnh nhân có thể gặp phải:

  • Đầu tiên là bị khó thở khi thực hiện các hoạt động thường ngày, ho mãn tính (đôi khi có đờm) và cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng COPD có thể trở nên tồi tệ hơn, kéo dài trong vài ngày và thường phải dùng thêm thuốc.
  • Thở khò khè, tức ngực
  • Không thể hít một hơi sâu
  • Cảm thấy như không thể thở được
  • Sốt nhẹ hoặc ớn lạnh khi bội nhiễm…

ho-va-kho-tho-la-trieu-chung-thuong-gap.jpgHo và khó thở là triệu chứng thường gặp

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính triệu chứng thường phát triển từ tuổi trung niên trở đi. Khi COPD tiến triển, mọi người cảm thấy khó khăn hơn khi thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày, thường là do khó thở. 

Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Theo thời gian, việc tiếp xúc với các chất gây ảnh hưởng xấu tới phổi như khói thuốc lá hoặc hóa chất, ô nhiễm không khó có thể làm hỏng phổi và đường thở. Những vấn đề này đều là nguyên nhân hàng đầu gây COPD, tuy nhiên cứ 4 người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính COPD thì có 1 người chưa bao giờ hút thuốc. Ngoài ra còn bao gồm nhiều nguyên nhân khác như thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin (AAT) - một rối loạn di truyền.

Hút thuốc

Khoảng 75% trường hợp COPD xảy ra ở những người có tiền sử hút thuốc. Khi một điếu thuốc cháy, nó tạo ra hơn 7.000 chất hóa học và nhiều chất có hại. Các hóa chất trong khói thuốc lá làm suy yếu khả năng phòng vệ của phổi chống lại nhiễm trùng, thu hẹp đường dẫn khí, gây sưng tấy trong ống dẫn khí và phá hủy các túi khí—tất cả các yếu tố góp phần gây ra bệnh COPD. 

Bên cạnh đó, khói cũng làm tổn thương lông mao khiến chúng không thể thực hiện nhiệm vụ loại bỏ chất nhầy và các hạt bị mắc kẹt trong đường thở.

hut-thuoc-la-nguyen-nhan-hang-dau-gay-copd.jpgHút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây COPD

Phơi nhiễm nghề nghiệp

Việc tiếp xúc liên tục và lâu dài với hóa chất, bụi và khói là những rủi ro về môi trường, nguy cơ gây bệnh COPD khá cao. Phơi nhiễm nghề nghiệp chiếm 10-20% các triệu chứng hô hấp hoặc suy giảm chức năng phổi.

Ô nhiễm không khí

Tiếp xúc lâu dài với chất dạng hạt PM 2.5 và nitơ dioxide làm tăng nguy cơ phát triển bệnh COPD. Nguồn phát tán PM 2.5 là xe cơ giới, nhà máy, nhà máy điện, đốt củi và cháy rừng. Đồng thời, việc tiếp xúc với chất lượng không khí kém sẽ làm các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn và đẩy nhanh quá trình suy giảm chức năng phổi ở người lớn, đặc biệt nếu bạn có các yếu tố nguy cơ khác mắc bệnh COPD.

Thiếu hụt AAT

Thiếu hụt alpha-1 antitrypsin là một rối loạn di truyền hiếm gặp nhưng có thể dẫn đến khí phế thũng. Alpha-1 antitrypsin là một loại enzyme giúp bảo vệ phổi khỏi tác hại của tình trạng viêm. Khi bị thiếu AAT, cơ thể không tự sản xuất đủ alpha-1 antitrypsin, từ đó phổi của bạn có nhiều khả năng bị tổn thương do tiếp xúc với các chất kích thích như khói và bụi.

Chẩn đoán

Các bác sĩ sẽ sử dụng một thủ tục đơn giản gọi là phép đo phế dung để xem phổi của bạn hoạt động tốt như thế nào. Bác sĩ kiểm tra tổng dung tích phổi, khả năng tự thoát khí và đẩy đủ không khí ra khỏi phổi khi hít vào thở ra. Ngoài ra bạn cũng có thể thực hiện một số thử nghiệm khác, chẳng hạn như:

  • Đo oxy trong mạch: Xét nghiệm này đo lượng oxy trong máu của bạn.
  • Khí máu động mạch (ABG): Những xét nghiệm này kiểm tra nồng độ oxy và carbon dioxide.
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Xét nghiệm này kiểm tra chức năng tim và nhằm loại trừ bệnh tim là nguyên nhân gây khó thở.
  • Chụp X-quang ngực hoặc chụp CT ngực: Xét nghiệm hình ảnh tìm kiếm những thay đổi ở phổi do COPD gây ra.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có chữa được không?

COPD không thể chữa khỏi nhưng bệnh có thể thuyên giảm bằng cách không hút thuốc, tránh ô nhiễm không khí và tiêm vắc-xin. Đồng thời chúng còn có thể được điều trị bằng thuốc, bổ sung oxy và phục hồi chức năng phổi. Dưới đây là một số phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay:

  • Thuốc giãn phế quản dạng phun, xịt, hít, phế dung nhằm thư giãn đường thở và giúp bạn thở dễ dàng hơn.
  • Thuốc chống viêm dưới dạng hít hoặc viên uống để giảm viêm trong phổi. Ngoài ra còn có thể dùng thuốc kháng sinh để ngăn chặn nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Bổ sung oxy: Nếu lượng oxy trong máu thấp bạn có thể cần bình oxy di động để cải thiện nồng độ oxy.
  • Phục hồi chức năng: Các chương trình phục hồi chức năng giúp bạn giảm bớt tình trạng khó thở và sức khỏe thể lực được cải thiện rõ rệt.
  • Thuốc kháng cholinergic: Những loại thuốc này làm giãn các dải cơ thắt chặt xung quanh đường thở và giúp làm sạch chất nhầy trong phổi, từ đó có nhiều không khí vào và ra hơn. Khi đường thở mở, chất nhầy di chuyển tự do hơn và lúc này ho ra ngoài cũng dễ dàng hơn. Thuốc kháng cholinergic hoạt động khác và chậm hơn so với thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh.
  • Thuốc kháng Leukotriene: Những loại thuốc này ảnh hưởng đến leukotriene - hoạt chất xuất hiện tự nhiên trong cơ thể gây thắt chặt các cơ đường thở và sản xuất chất nhầy. Thuốc kháng Leukotriene giúp ngăn chặn hoạt chất  leukotriene và giảm các phản ứng xấu xảy ra, từ đó cải thiện luồng không khí và giảm triệu chứng ở một số người.
  • Thuốc long đờm: Có tác dụng làm loãng chất nhầy trong đường thở để người bệnh có thể ho ra ngoài dễ dàng hơn. 

thuoc-kim-ham-su-tien-trien-cua-COPD.jpgThuốc kìm hãm sự tiến triển của COPD

Lưu ý, thuốc hít phải được sử dụng đúng kỹ thuật và trong một số trường hợp phải dùng thiết bị đệm để giúp đưa thuốc vào đường thở hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các cơn bùng phát thường do nhiễm trùng đường hô hấp và mọi người có thể được dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc steroid ngoài việc điều trị bằng đường hít hoặc khí dung nếu cần. Do đó, người bệnh cần phải tái khám thường xuyên để được bác sĩ cho lời khuyên và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Không được tự ý mua thuốc dùng.

Biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

COPD nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, để lâu sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm sau:

Tràn khí màng phổi

COPD có thể làm tổn thương mô phổi. Và nếu không khí lọt vào khoảng trống giữa phổi và thành ngực, phổi có thể bị xẹp xuống giống như một quả bóng xì hơi. Lúc này bạn có thể cảm giác bị khó thở đột ngột, đau hoặc tức ngực dữ dội, ho khan.

Trao đổi khí kém

Máu mang oxy đến các tế bào khắp cơ quan và mang carbon dioxide ra khỏi cơ thể. Nhưng khi bị COPD, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc hít thở và lượng oxy cung cấp cũng ít đi hoặc có nhiều carbon dioxide hơn mức cần thiết trong máu. Nồng độ carbon dioxide cao cũng có thể khiến bệnh nhân đau đầu và chóng mặt mọi lúc.

Loãng xương

Những người mắc bệnh COPD thường sẽ gặp phải tình trạng loãng xương. Điều này có thể được giải thích đơn giản như bệnh nhân có khả năng hút thuốc, sử dụng steroid, ít khi tập thể dục để giúp xương chắc khỏe. Những vấn đề này đều là nguyên nhân chính dẫn tới thiếu hụt vitamin D để tạo xương. 

Mất ngủ

Các triệu chứng của COPD có thể đánh thức người bệnh vào ban đêm, khiến họ mệt mỏi vào ban ngày. Nghiêm trọng hơn nữa là chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm cho bệnh COPD trở nên tồi tệ hơn.

mat-ngu-la-mot-trong-nhung-bien-chung-cua-benh.jpgMất ngủ là một trong những biến chứng của bệnh

Ngoài ra, chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp, bệnh tim và đột quỵ.

Vấn đề tim mạch

Nồng độ oxy trong máu thấp có thể dẫn đến hẹp động mạch và tăng huyết áp. Điều này sẽ gây ra nhiều căng thẳng cho tim và khiến nó phải làm việc vất vả hơn bình thường. Lâu dần có thể khiến người bệnh gặp phải tình trạng suy tim phải, nhịp tim không đều, khó lưu thông máu, gan to và sưng tấy ở bàn chân cùng cẳng chân.

Phòng ngừa COPD

Không giống như một số bệnh, COPD thường có nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa rõ ràng và có nhiều cách để làm chậm sự tiến triển của bệnh. Hiện tại cách tốt nhất để ngăn ngừa COPD là không bao giờ hút thuốc hoặc ngừng hút thuốc ngay bây giờ.

Nếu bạn là người hút thuốc lâu năm, điều này có vẻ không đơn giản như vậy, đặc biệt nếu bạn đã thử bỏ thuốc một lần, hai lần hoặc nhiều lần trước đây. Nhưng hãy cố gắng từ bỏ và tìm được một phương pháp cai thuốc lá hiệu quả để bạn từ bỏ thuốc lá vĩnh viễn, bởi đây là cơ hội tốt nhất để giảm tổn thương cho phổi.

Bên cạnh đó, nếu nghề nghiệp của bạn bắt buộc phải tiếp xúc với khói và bụi hóa chất hằng ngày thì hãy hãy trao đổi với người quản lý về những cách bảo vệ bản thân tốt nhất chẳng hạn như sử dụng thiết bị bảo vệ đường hô hấp.

Ngoài ra tiêm vắc-xin cúm hàng năm có thể chống lại bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn để giảm nguy cơ hoặc ngăn ngừa một số bệnh nhiễm trùng.

Các câu hỏi thường gặp

Bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính sống được bao lâu?

Khi mắc phải căn bệnh này, dù đang ở giai đoạn đầu nhẹ nhất thì thời gian sống của người bệnh cũng giảm đi so với bình thường. Và khi vào giai đoạn nặng, mạn tính thì thời gian sống càng ngắn. Nhưng đáng tiếc, hầu như người bệnh đều được chuẩn đoán khi bệnh đã tới giai đoạn nặng.

Theo số liệu thống kê, có khoảng 70% bệnh nhân mắc COPD ở giai đoạn nặng và 30% người mắc COPD nặng sống sốt sau 5 năm phát hiện bệnh.

Phổi tắc nghẽn mãn tính có nguy hiểm không?

Đây là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, tiến triển nhanh và nặng dần theo thời gian, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, tràn khí màng phổi, loãng xương, mất ngủ, trao đổi khí kém,...Đặc biệt, tới nay vẫn chưa tìm được phương pháp chữa dứt điểm nên người bệnh phải sống chung với COPD suốt đời. Mặt khác, căn bệnh này đang ngày có xu hướng tăng lên mà chưa có thuốc đặc trị. Nên bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn, tốn kém tiền bạc thời gian để điều trị.

Viêm phổi tắc nghẽn mãn tính có lây không?

Câu trả lời là không. Từ những nguyên nhân được nêu ra ở trên, có thể thấy rằng COPD không phải là bệnh lây nhiễm bởi nó xuất phát từ nội tại và đa phần là ảnh hưởng từ môi trường xung quanh hay là thói quen hút thuốc lá hằng ngày. 

Không như nhiều loại bệnh về đường hô hấp thường gặp khác, bệnh lý này không do virus, vi khuẩn nên sẽ không cần phải lo lắng nó có lây nhiễm không.

Trên đây là những thông tin cơ bản về căn bệnh Phổi tắc nghẽn mãn tính COPD An Phế Thái Minh muốn đem đến cho bạn tham khảo để biết cách hạn chế bệnh nặng hơn cũng như ngăn ngừa phòng tránh bệnh hiệu quả. Đồng thời không nên chủ quan trước triệu chứng ban đầu nào, hãy tới bệnh viện ngay khi cảm thấy khó thở, ho liên tục. Cùng với đó là tạo một môi trường sống lành mạnh, bảo vệ phổi trước những tác nhân gây bệnh nhé. 

 

Nguồn tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/copd/symptoms-causes/syc-20353679

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8709-chronic-obstructive-pulmonary-disease-copd

https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/copd/what-causes-copd

 

Cập nhật lúc: 03/01/2024
*CẢNH BÁO* Hiện nay có một số đối tượng giả danh công ty Thái Minh để “lừa dối” khách hàng. Vì vậy, từ ngày 01/02/2022 THÁI MINH sẽ sử dụng số điện thoại duy nhất 0986.01.01.01 để liên hệ và chăm sóc khách hàng. Trân trọng!

Bài viết liên quan

Xem thêm »
Loading...